6 yếu tố tích cực giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định

bat-dpng-san-phat-trien-on-dinh

6 yếu tố tích cực giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản tiếp tục được kỳ vọng sẽ có chiều hướng đi lên trong nửa cuối năm 2019, và khó có thể xảy ra cuộc khủng hoảng vỡ bong bóng hay đóng băng dưới tác động tổng hòa của nhiều yếu tố.

Nhận định về thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) lạc quan cho rằng, thị trường sẽ có nhiều yếu tố tích cực hơn.
Theo ông Hà, giai đoạn này vẫn cho thấy sự phát triển khá ổn định của thị trường bất động sản. Trong nửa đầu năm 2019, mặc dù có giảm nguồn cung song lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở có sự tăng trưởng tốt.
Trong nửa cuối năm 2019, các thị trường thành phố lớn tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước cũng đã nhận thấy dấu hiệu bất ổn về việc giảm nguồn cung, nên tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh, giảm bớt thời gian thủ tục hành chính. Ông Hà đã đưa ra 6 yếu tố tích cực giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định trong các tháng cuối năm 2019 và năm 2020, đó là:
Thứ nhất, nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở vẫn còn cao, đặc biệt tại các đô thị lớn và các khu hành chính – kinh tế mới.
Thứ hai, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam giúp cho thị trường bất động sản công nghiệp gia tăng mạnh mẽ. Theo đó, các cơ sở nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.
Thứ ba, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ làm cho các khoản vay bất động sản chất lượng và lành mạnh hơn, giảm nợ xấu, đồng thời sẽ kích thích các nguồn vốn khác đầu tư vào bất động sản như: Vốn tư nhân, kiều hối, vốn đầu tư từ nước ngoài, chứng khoán bất động sản.
Thứ tư, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn dư địa phát triển, đặc biệt là các thị trường mới. Nguồn lợi từ bất động sản nghỉ dưỡng sẽ thúc đẩy các địa phương mới phát triển.
Thứ năm, xu thế phát triển bất động sản quy mô thành phố thu nhỏ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, bất động sản thông minh, bất động sản xanh sẽ là xu thế phát triển chủ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Thứ sáu, giá bất động sản có thể tăng nhẹ do thiếu nguồn cung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đồng quan điểm, bà Lê Vũ Thanh Tâm, chuyên gia từ Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng, trải qua một năm đầy biến động mạnh, thị trường bất động sản đã vượt qua dự báo về một kịch bản vỡ bong bóng bất động sản vào cuối năm 2018.
Qua 6 tháng đầu năm 2019, theo phân tích của bà Tâm, về tình hình kinh tế vĩ mô, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 được dự báo khả quan theo đà tăng trưởng tích cực của năm 2018 với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước vào khoảng 6,8%, chênh lệch không nhiều so với tốc độ tăng 7,08% của năm 2018. Điều này giúp thị trưởng bất động sản hoạt động ổn định, không gặp xáo trộn gì lớn.
Với nhiều tín hiệu tích cực từ tình hình kinh tế vĩ mô, cùng với nhiều biện pháp can thiệp từ chính phủ, theo bà Tâm, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ không gặp phải cú sốc, sự xáo trộn lớn nào dẫn tới tình trạng vỡ bong bóng hay đóng băng.

tapchitaichinh.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *