Đất nền các tỉnh lân cận lọt vào “tầm ngắm” của giới đầu tư địa ốc TP.HCM, lộ diện những “điểm nóng”

Đất nền các tỉnh lân cận lọt vào “tầm ngắm” của giới đầu tư địa ốc TP.HCM, lộ diện những “điểm nóng”

Bên cạnh các thị trường giáp ranh Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì các nhà đầu tư (NĐT) còn tìm đến những thị trường mới khác như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận,… tìm kiếm cơ hội đầu tư, kỳ vọng sinh lời trong dài hạn.

Mặt bằng giá đất thấp hấp dẫn nhiều nhà đầu tư

Giá đất tại TP.HCM trong thời gian qua đã tăng cao, quỹ đất vùng ven khan hiếm dẫn khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các tỉnh lân cận, có lợi thế về hạ tầng, du lịch.

Trong báo cáo thị trường mới đây, các đơn vị nghiên cứu đều chung nhận định, nguồn cung tổng quan thị trường đang có xu hướng giảm mạnh ở các phân khúc, do đó NĐT bắt đầu quan tâm đến thị trường xa hơn với mức giá còn trong khả năng chấp nhận.

Tại buổi chia sẻ mới đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam chỉ ra các thị trường đang thu hút mạnh NĐT ở giai đoạn hiện nay, phải kể đến như Nhơn Trạch, Đức Hòa, Cần Giuộc, Thuận An, Dĩ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Phú Quốc, Bình Thuận….trong khoảng giá trên dưới 1 tỉ đồng, NĐT có nhiều lựa chọn ở các khu vực xa Tp.HCM. “Giá còn hấp dẫn, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều NĐT là nguyên nhân chính khiến BĐS nơi đây thu hút NĐT về”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo khảo sát của vị Chủ tịch này, giữa năm 2018, tại Cần Giuộc những căn nhà 1 trệt 1 lầu giá tầm 1.2 tỉ đồng/căn, rất nhiều người mua. Chứng tỏ, khách hàng họ sẵn sàng chấp nhận đi xa để sở hữu căn nhà của mình.

Hay tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Long Thành – các khu vực cách xa Tp.HCM nhưng hiện nay rất nhiều NĐT đổ về đây tìm mua đất nền. Đặc biệt, số lượng dự án quy mô hình thành nên cơ sở hạ tầng ở các khu vực này rất tốt được xem là nguyên nhân khiến làn sóng đầu tư đổ về đây mạnh mẽ. Giá bắt đầu tăng mạnh so với thời điểm 2017, 2018.

Bình Thuận cũng là khu vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư địa ốc. Với lợi thế đường bờ biển kéo dài hơn 100 km, thị trường này đang phát triển tập trung ở Mũi Né (Phan Thiết) và Hàm Tiến. Đặc biệt, thông tin về sân bay Phan Thiết khiến thị trường địa ốc tại đây nóng lên. Cả NĐT lẫn môi giới đổ dồn về thị trường này tìm kiếm cơ hội với BĐS. Theo ông Lâm, những ngày thường nhưng khách đầu tư ở các nơi đổ về đây mua đất khiến con đường ra sân bay kẹt cứng xe ô tô.

Khánh Hòa cũng là điểm ngắm của NĐT ở giai đoạn hiện nay. Nơi đây có thành phố Nha Trang phát triển du lịch, có Bắc Vân Phong được xem xét thành lập đặc khu, có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án quy mô ở Bãi Dài, Cam Ranh… nên giá đất ổn định, hút nhiều NĐT quan tâm.

Cần bình tĩnh, tìm hiểu kỹ pháp lý trước khi “xuống tiền”

Nói về thị trường đất nền, ông Lâm cảnh báo NĐT phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu kỹ càng thông tin trước khi quyết định “xuống tiền” ở những điểm nóng BĐS hiện nay.

Theo ông Lâm, thực tế có nhiều môi giới chào bán đất nền nhưng không hiểu gì về quy hoạch và chẳng ai rành về vấn đề quy hoạch khi khách hỏi. Khi khách hỏi “đường này quy hoạch bao nhiêu m”, môi giới trả lời, “anh đừng hỏi cái đó”.

Chứng tỏ, họ là người bán nhưng không biết chính xác thông tin như thế nào. Thậm chí, từ chỗ đất vào sân bay bao xa họ cũng chỉ nói từ “hình như”, không có cơ sở. “Người bán cứ xô thông tin sao cho có lợi cho việc bán hàng, còn việc kiểm chứng thông tin không rõ ràng. Vì thế, NĐT cần hết sức bình tình để tìm hiểu thông tin trước khi xuống tiền”, ông Lâm nhấn mạnh.

Chủ tịch DKRA Việt Nam chỉ ra các yếu tố khiến giá đất nền các “điểm nóng” nhảy múa và khách mua dồn mạnh về tỉnh thành hiện nay:

Nguồn cung BĐS Tp.HCM giảm mạnh, giá đạt ngưỡng đầu tư khó: Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều NĐT dạt về khu vực tỉnh giáp ranh để tìm kiếm mức lợi nhuận đáng kể. Đa số NĐT mua BĐS tỉnh thành hướng đến nhu cầu đầu tư lâu dài. Việc nhiều NĐT cùng lúc đổ về tìm kiếm đất khiến BĐS các khu vực xa xôi rục rịch hoạt động mua bán.

Tâm lý sở hữu nhà đất mang tính lâu dài của người mua: Ông Lâm cho rằng, có một thực tế, tâm lý của người Việt là làm gì cũng phải có sổ đỏ trong tay. Dù xa trung tâm nhưng có sổ đỏ là được. Họ “cuồng” BĐS đến mức, đầu tư gì có lãi đều bỏ tiền vào BĐS, làm ra gì tiền đều nghĩ đến BĐS đầu tiên. Chính tâm lý này đã khiến BĐS cứ tăng giá và khu vực nào cũng trở thành điểm nóng của BĐS.

Khu đô thị hình thành, BĐS tăng giá theo: Qũy đất TP khan hiếm, buộc các chủ đầu tư có tiếng phải tìm kiếm miếng bánh tại thị trường tỉnh thành. Các chủ đầu tư lớn kéo về, khu đô thị quy mô hình thành, ngay lập tức giá đất xung quanh, thậm chí cách 20-30km cũng tăng giá theo, thu hút NĐT đổ về đây.

Kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi: Đây là nguyên nhân không mới nhưng có tác động mạnh mẽ đến xu hướng dịch chuyển của NĐT cũng như sức nóng của thị trường mà có kết nối thuận tiện với Tp.HCM.

Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh: Hiện nay để phát triển kinh tế địa phương, nhiều tỉnh có chính sách thu hút NĐT về, đây cũng là nguyên nhân khiến khá nhiều CĐT có tiếng tìm kiếm quỹ đất lớn để phát triển dự án, tạo nên một xu hướng trên thị trường BĐS.

Tuy vậy, theo ông Lâm, xu hướng dạt về tỉnh thành là dễ thấy nhưng NĐT cũng lưu ý các thông tin trên thị trường đang bị nhiễu loạn. Giá cả thay đổi liên tục, khá xác định đầu là giá thực ở ngưỡng an toàn. “Có nhiều miếng đất không thấy chủ đất đâu nhưng được phao ra ngoài qua 5-7 người với các mức giá khác nhau, không có bất cứ thông tin minh bạch nào”, ông Lâm cho hay và cảnh báo: “Nếu giá BĐS tăng quá cao sẽ dẫn đến tê liệt, thị trường bất ổn. Mức độ tăng giá vừa phải, ổn định vẫn tốt hơn là sự biến đông quá mạnh”.

Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *