Phát triển bất động sản Xanh: "Phải xanh từ nội tại"

Phát triển bất động sản Xanh: "Phải xanh từ nội tại"

Những năm gần đây, trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, môi trường sống ngày càng ô nhiễm, sống xanh trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Điều này tác động không nhỏ đến xu hướng kiến trúc nhà ở, hình thành nên khái niệm bất động sản xanh. Làn sóng này đang từng bước thay đổi diện mạo thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi có mật độ dân số đông và nhiều nhà cao tầng.

Theo ghi nhận từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đạt 38% năm 2018, tăng 0,9% so với năm 2017. Dù thế, nhiều chuyên gia vẫn nhận định tỷ lệ đô thị hóa hiện chưa đồng đều ở các khu vực và vẫn còn nhiều cơ hội nâng cao, nếu so với con số 60% và 82% ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Dự báo, “tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta sẽ đạt khoảng 40% trong năm 2019 và 2020”, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết.

Về lý thuyết, đô thị hóa sẽ mang lại cuộc sống chất lượng hơn khi người dân được tiếp cận với nhiều tiện ích, cơ sở vật chất hiện đại. Tuy nhiên, việc quy hoạch và quản lý không tốt cùng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của người dân.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra trên khắp các tuyến phố. “700 m nhưng mất tới 15-20 phút di chuyển, ngày cao điểm có khi lên tới 30 phút” là câu chuyện đi làm mỗi ngày của Hoàng Nguyên (NVVP) khi di chuyển qua cầu Kênh Tẻ, quận 7 (TP.HCM). Đây cũng là nỗi ám ảnh quen thuộc của những người dân sinh sống hoặc làm việc tại các khu vực trung tâm, nơi tập trung nhiều dự án bất động sản.
Nhà ở mọc lên san sát nhưng hạ tầng đô thị không đáp ứng kịp, các tiện ích cần thiết như trường học, bệnh viện,… lại chưa xây dựng xong. Thực trạng này khiến mỗi lần ra đường thực sự là một “cuộc chiến” đối với người dân thành thị. Thậm chí, không ít người mô tả hành trình đi làm hệt như các chuyến phượt đường dài.
Chưa kể, khói bụi, rác thải và ô nhiễm tiếng ồn từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng “đánh cắp” bầu không khí trong lành của người dân. Điều này khiến cho nhu cầu sở hữu không gian sống thân thiện với môi trường trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Thực tế, lối sống xanh đem đến nhiều lợi ích tuyệt vời cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Các chuyên gia nhận định, không khí trong lành sẽ cải thiện sức khỏe của phổi và tim mạch, giảm béo phì, tăng cường trí nhớ… Đồng thời, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đan Mạch trên tạp chí PNAS cũng cho thấy không gian xanh sẽ giúp giảm thiểu 55% nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần.
Bởi vậy, “bất động sản xanh”, “công trình xanh”, “kiến trúc xanh” hay “kiến trúc bền vững” đang trở thành xu hướng được các nhà đầu tư, kiến trúc sư đặc biệt quan tâm khi kiến tạo các công trình xây dựng. Đây chính là thời điểm lên ngôi của những giải pháp nhà ở đề cao phong cách sống xanh.
bat-dong-san-xanh
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có 87 công trình đạt chứng nhận xanh. Tuy nhiên đến nay, tiêu chí “xanh” vẫn còn mơ hồ đối với nhiều người, kể cả một số nhà đầu tư, kỹ sư và kiến trúc sư. Không ít người cho rằng kiến tạo một dự án gần gũi với thiên nhiên và môi trường đồng nghĩa với việc phủ kín diện tích bằng cây xanh và hệ thống công viên cảnh quan tươi mát. Điều này đúng nhưng chưa trọn vẹn.
Bên cạnh các tiêu chí về mật độ xây dựng hay không gian, một công trình xanh còn phải “xanh” từ nội tại. Tổng thể các giai đoạn từ lựa chọn địa điểm, thiết kế đến thi công, xây dựng, vận hành và bảo hành đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sử dụng tiết kiệm năng lượng và vật liệu thân thiện với môi trường.
Hiện nay trên thế giới có nhiều hệ thống chứng chỉ công trình xanh với các bộ tiêu chí khác nhau như EDGE, LEED. Trong đó, hiệu quả sử dụng năng lượng, nước, vật liệu xây dựng trong quá trình thi công công trình cùng vấn đề giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cũng như chất lượng môi trường sống được chú trọng hơn cả.

Vật liệu xanh được coi là yếu tố then chốt trong quá trình kiến tạo và nâng cao giá trị công trình. Các loại vật liệu bền vững được ưa chuộng hiện nay như xi măng địa polime, gạch ốp lát tái chế hay các vật liệu không nung… đều đảm bảo các yếu tố về môi trường, tận dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng.
Đối với vấn đề sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD. Theo đó, các công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu không nung trong tổng số vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, kiến trúc công trình nếu được thiết kế phù hợp cũng tạo điều kiện tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên, giúp giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng.
Có thể nói, mỗi vật liệu trong thi công và xây dựng dự án như xi măng, sắt, thép, tường, cửa, mái che đều có tác động nhất định đến hiệu quả “xanh” của công trình. Tất cả góp phần kiến tạo các công trình bền vững, hài hòa với cảnh quan và môi trường.

Hiện nay, việc phát triển công trình xanh, đô thị xanh bền vững đang được nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư quan tâm. Đây cũng là mục tiêu phát triển mang tính chiến lược được ưu tiên trước mắt của Chính phủ.
Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%/năm). Theo tính toán, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ.
Nhờ vậy, công trình xanh còn giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác. Vì thế, các công trình mới hiện nay đều ứng dụng các giải pháp “xanh” nhằm mang đến cho cư dân không gian sống chất lượng, bền vững và thân thiện với môi trường.

news.zing.vn

 

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *