Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ…những điểm “nóng bỏng tay” của thị trường đất nền đang diễn biến ra sao?

Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ…những điểm “nóng bỏng tay” của thị trường đất nền đang diễn biến ra sao?

Từ đầu tháng 2/2019 đến nay, giá đất nền ở một số tỉnh trong vùng đô thị mở rộng TPHCM gần như tăng theo tuần, sau khi có thông tin chính thức hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chuẩn bị được khởi công xây dựng hay làn sóng nhiều nhà đầu lớn rót vốn vào địa phương.

Đất Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục tăng

Theo ghi nhận của các công ty môi giới bất động sản tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương hay xa hơn là Cần Thơ, từ cuối tháng 2 đến nay, cơn “sốt đất” cục bộ đã diễn ra sôi động liên tục, khách hàng tại chỗ hoặc từ nơi khác bắt đầu mua vào nhiều hơn. Giá đất được các nhà đầu tư và những người chủ đất kêu bán với giá tăng cao từ 50 đến 100 triệu đồng trong một tuần, thậm chí trong vài ngày.

Ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận định rằng năm 2019, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh này sẽ tiếp tục khởi sắc. Diễn biến này được tiếp đà từ tăng trưởng năm ngoái.

Theo vị này, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh lên cơn sốt là do một số dự án cao tốc trọng điểm: Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, tuyến tránh TP. Bà Rịa… sắp hoàn thiện hoặc chuẩn bị khởi động; các quy hoạch và dự án du lịch biển, trung tâm dầu khí, cảng biển đang được triển khai cùng làn sóng các nhà đầu tư dịch chuyển từ TP. HCM đổ về.

Khảo sát thị trường BĐS thời gian qua trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá đất nền trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đặc biệt tại một số khu vực trung tâm TP. Vũng Tàu, Bà Rịa và TX. Phú Mỹ tăng mạnh từ 20-30%, thậm chí tăng gấp đôi so với vài năm trước. Lượng hồ sơ mua bán – giao dịch do đó cũng tăng theo. Bên cạnh đất nền, phân khúc căn hộ cao cấp, nghỉ dưỡng cũng nhộn nhịp không kém.

Thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong năm 2018 địa phương thu hút 23 dự án BĐS với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Như vậy, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 157 dự án BĐS với tổng diện tích hơn 3.400ha; tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thu hút thêm 124 dự án BĐS.

Theo các chuyên gia BĐS, có nhiều động lực tích cực cho thị trường BĐS trong năm nay, khi mà nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực này đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào tỉnh. Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm thời gian qua, nhiều nhà đầu tư xin chủ trương vào đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha tại TP. Vũng Tàu; Tập đoàn SunGroup cũng đã khảo sát, tìm hiểu dự án nghỉ dưỡng khu vực núi Dinh; Tập đoàn Novalanf đề xuất rót vốn đầu tư khu vườn thú hoang dã Safari và tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp rộng gần 1.000ha…

Các chủ đầu tư tên tuổi khác như Hưng Thịnh Corp cũng vừa rót hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện 4 dự án có quy mô lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu. Như vậy, sự đổ bộ của các chủ đầu tư lớn vào tỉnh này đã làm cho thị trường BĐS ở đây thêm phần sôi động. Từ đó, khi có nhiều doanh nghiệp tên tuổi đầu tư thì thị trường BĐS càng cạnh tranh, nhà đầu tư, người dân có thêm nhiều sự lựa chọn, giá cả sẽ hợp lý, dự án sẽ chất lượng, bảo đảm tính pháp lý hơn.

Giá đất Đồng Nai khó giảm sâu

Từ cuối năm 2018, thị trường bất động sản Đồng Nai đã tạm lắng xuống và tình trạng “sốt ảo” đã giảm. Tuy nhiên, đất nền, nhà ở thuộc các dự án ở những khu vực đông dân cư, gần khu hạ tầng giao thông phát triển vẫn cuốn hút các nhà đầu tư. Những khu vực có đất đai, nhà cửa hấp dẫn nhà đầu tư là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Người đầu tư dùng nguồn vốn tự có lẫn vốn vay ngân hàng để mua. Dù không mạnh tay đầu tư “lướt sóng” ào ào như trước nhưng vẫn không kém nhộn nhịp kẻ mua, người bán.

Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) chi nhánh Đồng Nai cho biết: “Trong 2 tháng đầu năm, cá nhân vay vốn tại ACB Đồng Nai để mua bất động sản tăng, hiện dư nợ cho vay trên lĩnh vực này chiếm 30% trong tổng dư nợ, tương đương gần 3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các cá nhân chủ yếu mua đất nền, nhà ở tại các dự án hoặc đất nông nghiệp diện tích lớn”.

Tìm hiểu tại các địa phương trong tỉnh, gần đây cũng có nhiều cá nhân tìm mua đất nông nghiệp ở những khu vực đông dân cư, gần đường lớn với diện tích 1,2 ha. Sau đó, chia ra thành 1-3 sào (1 sào 1 ngàn m2) và bán lại lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần.

Thực tế, đất nền dự án khu dân cư tại TP.Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom đã có hạ tầng đầy đủ dù không còn “sốt” nhưng giá vẫn tăng. Vì thế đây vẫn là kênh đầu tư được nhiều cá nhân chọn do lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vàng, chứng khoán, trái phiếu. Đặc biệt, thông tin sân bay Long Thành cũng đang làm cho thị trường đất nền vùng lân cận cũng tăng nóng từng ngày, giới đầu tư từ khắp nơi đổ về “gom hàng” chờ thị trường tiếp tục lên.

Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (thành viên của Tổng công ty Tín Nghĩa, trụ sở tại TP.Biên Hòa) nhận xét giá đất sẽ chỉ giảm sâu ở những nơi thời gian qua bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần và “ăn theo” những dự án trong tương lai xa. Còn những khu hạ tầng được hoàn thiện và kết nối tốt thì sẽ khó giảm sâu.

Cũng theo ông Tiến, trước đây công ty bán đất nền gần chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) chỉ 3-4,5 triệu đồng/m2. Khi chợ đi vào hoạt động và thị trường bất động sản khởi sắc, đất nền ở đây được mua đi, bán lại với giá 10-12 triệu đồng/m2. Hiện bất động sản bắt đầu sôi động và nhiều người bán ra, song giá khu này vẫn cao vì có chợ, gần đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Cần Thơ “sốt” giá liên tục

Một địa phương khác cũng đang có thị trường “sốt nóng”, bắt đầu từ cuối năm 2018, bất động sản tại TP Cần Thơ giao dịch sôi động, đặc biệt là đất nền ở các khu dân cư có triển vọng tốt, càng “hot” hơn là các lô nền đã có “sổ đỏ”.

Mới đây vài ngày, một khách hàng công tác tại một công ty bảo hiểm ở đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, cho biết chỉ trong buổi chiều ngày 10/3/2019, anh đã chuẩn bị tiền sẵn để đặt cọc mua nền ở khu dân cư Hồng Loan (khu 5C), nhưng vừa “chốt giá” 21 triệu đồng/m2, xong chưa đầy 10 phút đã có người mua rồi.

“Nhưng khu này vốn chưa có “giấy đỏ”, chỉ là hợp đồng góp vốn thôi. Thế mới thấy sức nóng của thị trường. Tôi không hiểu vì sao mua đất đai nhanh như mua mới rau, con cá, trong khi nó có giá trị tiền tỉ! Với đà này, người dân có thu nhập trung bình muốn mua nhà đất là thách thức lớn không dễ làm được”, vị khách này chia sẻ.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, tính đến cuối năm 2018, dư nợ cho lĩnh vực BĐS trên địa bàn đạt gần 7.000 tỉ đồng, chiếm gần 9% tổng dư nợ và tăng gần 30% so với cuối năm 2017. Mức tăng trưởng tín dụng này được xem là khá cao so với các năm trước đây. Giới kinh doanh bất động sản cũng có cái nhìn rất lạc quan, tin tưởng thị trường bất động sản tại Cần Thơ vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Còn theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đất nền dự án hiện nay ở khu vực trung tâm thành phố và các quận ven khá khan hiếm, dự án mới khá ít, chỉ có một vài dự án mới xin được chủ trương. Muốn có nền hoặc nhà, đất phải có thời gian trong khi nhu cầu nhà ở, đất ở trong dân còn lớn, đó cũng là nguyên nhân dễ sinh ra “sốt đất” cục bộ trên địa bàn.

Nam Phong
Theo Trí thức trẻ

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *